Càng Long: Nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng cho làng nghề tại địa phương

Hiện toàn tỉnh có 13 làng nghề được công nhận (02 làng nghề nông nghiệp, 06 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và 05 làng nghề chế biến thực phẩm); riêng trên địa bàn huyện Càng Long có 01 làng nghề TTCN xã Đức Mỹ. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm của làng nghề chủ yếu từ cây lác, cây dừa… qua đó đã tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Với nguồn nguyên liệu khá dồi dào, không chỉ cung ứng cho làng nghề tại địa phương; các sản phẩm phụ từ cây dừa, cây lác ở Đức Mỹ còn cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ…

Ông Phan Quốc Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Càng Long, cho biết: thực hiện Đề án phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và Đề án mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư phát triển các làng nghề và nghề truyền thống gắn với dịch vụ thương mại và du lịch, bảo tồn phát triển nghề truyền thống và văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời triển khai công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động tại các làng nghề, ngành nghề tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Với làng nghề TTCN xã Đức Mỹ hiện nay phát huy hiệu quả rất lớn trong giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Các sản phẩm của làng nghề như dệt chiếu, se chỉ tơ xơ dừa… nguồn nguyên liệu để sản xuất ở huyện Càng Long nói chung và xã Đức Mỹ nói riêng rất dồi dào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Song, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết: về nguồn nguyên liệu như cây lác, hiện địa phương có trên 650ha (đạt sản lượng gần 12.300 tấn/năm) và khoảng 548ha dừa, cho sản lượng thu hoạch 9,57 triệu quả/năm; ngoài cung cấp cho làng nghề, địa phương còn xuất bán ra ngoài tỉnh trên 80% nguyên liệu. Riêng đối với mặt hàng tơ xơ dừa để cung cấp cho se lõi, hiện nay chỉ có 02 doanh nghiệp (DN) ở địa phương đủ điều kiện về kỹ thuật để đánh xơ, nhưng không đủ cung cấp cho các hộ trong làng nghề làm se lõi tơ xơ dừa và trên 70% nguyên liệu (vỏ dừa) phải chở sang Bến Tre bán lại cho các DN chuyên đánh tơ xơ dừa và sau đó thu mua lại tơ xơ dừa về để se lõi…

Hiện trên địa bàn xã Đức Mỹ có các doanh nghiệp, công ty,   cơ sở sản xuất tơ xơ dừa với quy mô lớn như DN tư nhân Minh Nhựt, DN tư nhân Út Mừng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Thái Phong, Công ty Kim Bôi, cơ sở dập tơ xơ dừa Thanh Phong… với 07 máy dập tơ và 06 máy ép kiện, công suất 2,5 tấn/ngày/máy, với sản lượng 6.500 tấn tơ xơ dừa, kiện dừa, lưới tơ xơ dừa/năm. Giải quyết việc làm 450 lao động trực tiếp, thu nhập ổn định từ 04 – 06 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, làng nghề còn giải quyết lao động tại gia đình như se chỉ xơ dừa, lõi lát và dệt chiếu… thu hút trên 75% số hộ trong xã tham gia. Năm 2020, đã cung cấp 22.500 sản phẩm các loại.

Nông dân Nguyễn Thị Thanh, ấp Mỹ Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long cho biết: lao động tham gia làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thu nhập rất thấp (khoảng 1,5 – 02 triệu đồng/tháng); nếu người lao động vừa có đất trồng nguyên liệu (cây lác) sẽ tạo ra thu nhập khép kín từ lúc trồng – thu hoạch – sản xuất ra sản phẩm (lõi lác hay chiếu lác các loại)… sau đó bán lại sản phẩm cho các cơ sở, DN mới có thu nhập cao. Gia đình hiện sản xuất 4.000m2 lác, nếu bán lác nguyên liệu, cho thu nhập khoảng 13 – 15 triệu đồng/1.000m2/năm và kết hợp với se lõi lác cũng kiếm thêm 03 – 04 triệu đồng/tháng/lao động.

Cũng theo ông Phan Quốc Phong, hiện nay tại làng nghề  của Đức Mỹ vẫn chưa có cơ sở,  DN xuất khẩu trực tiếp sản phẩm làm ra, 100% sản phẩm phải qua trung gian từ các DN, công ty ngoài tỉnh. Đối với tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho địa phương và các cơ sở ở làng nghề xúc tiến, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất – xuất khẩu cho đối tác trực tiếp ở tỉnh… Các làng nghề trên địa bàn tỉnh cần gắn kết với nhau, tránh phát triển theo hướng tự phát, manh mún, quy mô nhỏ lẻ. Nên tập trung đầu tư, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa mới, đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường và đối tác.

Nguồn: Báo Trà Vinh

Share:

Author: PKTHT Cang Long

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *