Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, diện tích cây lác (cây cói) của toàn tỉnh có 2.463 ha, sản lượng 29.673 tấn tăng 15 ha và 1.320 tấn so với năm 2019. Vùng sản xuất lác tập trung chủ yếu tại huyện Càng Long với 2.309 ha, chiếm 93,75% diện tích cây lác của tỉnh, sản lượng 28.652 tấn chiếm 96,56% sản lượng của tỉnh. Diện tích còn lại thuộc huyện Châu Thành 115 ha, sản lượng 769 tấn, huyện Trà Cú 29 ha, sản lượng 183 tấn và thành phố Trà Vinh diện tích 10 ha, sản lượng 68 tấn[i].
Cây lác được dùng để dệt chiếu, se sợi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (túi xách, nón,…). Bên cạnh đó, cây lác còn làm cây cảnh, một số bộ phận được dùng làm thuốc, thức ăn gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ. Trồng lác có tác dụng bảo vệ đê điều và cải tạo đất (mặn-chua)[ii]. Tuy nhiên, tại Trà Vinh, cây lác phần lớn để dệt chiếu, se sợi hoặc bán sản phẩm (khô) đi nơi khác.
Tại Càng Long, cây lác tập trung ở khu vực hai xã Đức Mỹ, xã Đại Phước và được huyện xác định là một trong 03 cây chủ lực (cùng với cây lúa, cây dừa) trồng tập trung theo mô hình cách đồng lớn[iii]. Theo người dân, cây lác được trồng tại đây trên 10 năm, đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với cây lúa. Không giống như cây lúa, cây lác chỉ cần trồng/cấy một lần và cho thu hoạch trong nhiều năm, tùy theo điều kiện chăm sóc, bình quân khoảng 6-7 năm hoặc lâu hơn mới phải trồng lại. Mùa vụ thu hoạch lác tương đối ngắn, thu hoạch khi cây đến độ trưởng thành chứ không chờ trổ bông. Trừ vụ đầu tiên phải mất 5-6 tháng mới cho thu hoạch thì các vụ sau chỉ khoảng 3-4 tháng.
Trồng lác thì ít tốn phân bón hơn so với trồng lúa, nhưng thu hoạch thì cần nhân công nhiều và còn tùy thuộc vào thời tiết[iv]. Đây là một trong những khó khăn của nghề trồng lác khi lực lượng lao động nông thôn ngày càng khó tìm. Nếu trồng lúa hiện nay được cơ giới hóa ở hầu hết các khâu từ làm đất đến thu hoạch, phơi bán, thì trồng lác vẫn chủ yếu dùng sức người là chính.
So với cả nước, diện tích cây lác của tỉnh thuộc nhóm đầu và chiếm khoảng 20%[v]. Mặc dù cây lác được xác định là cây chủ lực, nhưng theo huyện Càng Long, trong sản xuất chưa có mô hình thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó dẫn đến sản xuất thiếu bền vững. Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện thu mua còn thấp (khoảng trên 15% sản lượng). Cây lác và các sản phẩm từ cây lác cũng chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP[vi]. Vì vậy, huyện đang có kế hoạch rà soát về hạ tầng sản xuất và quy hoạch tái cơ cấu trên địa bàn huyện xây dựng lại vùng sản xuất tập trung để đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Vừa qua, thành viên Đoàn thẩm định của Trung ương về xây dựng Nông thôn mới, khi làm việc với tỉnh Trà Vinh đã đề nghị tỉnh và huyện cần nghiên cứu phát huy thế mạnh của cây lác do nhu cầu nguyên liệu từ cây lác hiện nay rất lớn nhưng diện tích trồng lác các nơi đều đã bị thu hẹp hoặc không còn. Đặc biệt, chất lượng cây lác Trà Vinh thuộc loại tốt, cọng dài, màu sắc đẹp, dẻo nên được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa, dự báo thị trường trong và ngoài nước đối với cây lác có tính bền vững, ổn định hơn so với thanh long và cam (hai loại cây ăn trái trồng nhiều trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua)[vii]. Thật vậy, qua tìm hiểu cơ sở thu mua lác tại xã Đức Mỹ, chủ cơ sở cho biết, trước đây lác (khô) sau khi thu mua, phân loại, bó,… chủ cơ sở phải vận chuyển đi các tỉnh để bán, còn hiện tại, các thương lái đến tận cơ sở để mua.
Tuy nhiên, như đã nêu, tại Trà Vinh cây lác phần lớn để dệt chiếu, se sợi hoặc bán sản phẩm khô đi nơi khác nên sản phẩm đơn điệu và phụ thuộc vào nơi tiêu thụ. Nếu phát triển cây lác chỉ để cung cấp “nguyên liệu” thì chưa đủ. Thiết nghĩ, cần có sự tính toán làm đang dạng, làm phong phú hơn về sản phẩm để tránh sự phụ thuộc và để phát triển bền vững. Đã có những bài báo “đặt tên mỹ miều” cho vùng trồng lác hai xã Đức Mỹ, xã Đại Phước là “Vương quốc lác bên dòng sông Cổ Chiên”, “Vương quốc lác Miền Tây” hay “Vương quốc lác Đức Mỹ” hoặc đã có các tua du lịch “cùng làm” với người dân khi vào mua thu hoạch lác,… nên chăng cần tận dụng, khai thác, phát huy và biến thành cơ hội.
Cơ hội cho cây lác càng hiện hữu hơn khi tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, trong các mục tiêu, có: “…phát triển sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị sử dụng cao, tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.” và “Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.”. Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ theo nội dung Kế hoạch như: Hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng quy trình đóng gói; Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, áp dụng và công bố tiêu chuẩn chất lượng; Hỗ trợ xúc tiến thương mại[viii]…
Hy vọng tương lai không xa, cây lác cũng sẽ là sản phẩm được nhiều người biết đến khi nói về Trà Vinh như sản phẩm tôm khô, bánh tét, dừa sáp,…