Xây dựng thương hiệu “Vương quốc lát Càng Long” tỉnh Trà Vinh

LNV – Hơn mười năm trước, nhận thấy cây lúa trên vùng đất nhiễm phèn kém hiệu quả, giá cả lại bấp bênh, trong khi ngành thủ công mỹ nghệ đan lát đang phát triển mạnh, nên Trà Vinh vận động người dân chuyển sang trồng cỏ lát để cung ứng nguyên liệu và hướng tới lập làng nghề. Thời gian qua, tỉnh cũng đã tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy sản phẩm từ cây lát phát triển. Tuy nhiên, lâu nay, việc xây dựng thương hiệu cho cây lát của tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Lát được sử dụng chủ yếu để dệt chiếu và sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ. Chiếu lát được làm ra bằng cách dùng những sợi lát phơi khô, rồi dệt và liên kết lại bằng sợi đay. Cây lát ở Trà Vinh thuộc loại lác voi, thân to, lá dài, cao lên tới 1,5m, có tên khoa học là Cyperaceae, thuộc họ Lát cói. Trước kia, người ta chỉ cắt lát dại về để phơi khô, làm dây bó lúa, cột gói lá, thậm chí sử dụng làm vật liệu đan thủ công. Dần dà, lát được sử dụng để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chiếu, đệm, giỏ, tấm vách… Trong vài năm qua, lát khô trở thành mặt hàng được ưa chuộng với giá cao, đặc biệt là khi có cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia khác. Bên cạnh đó, cây lát còn làm cây cảnh, một số bộ phận được dùng làm thuốc, thức ăn gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ. Trồng lát còn có tác dụng bảo vệ đê điều và cải tạo đất (mặn – chua).

Càng Long là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Trà Vinh, tiếp giáp với TP.Trà Vinh. Từ Càng Long kết nối thuận tiện với tỉnh Vĩnh Long (qua QL53) và Bến Tre (qua QL60 và cầu Cổ Chiên), nên được xem là “cửa ngõ” giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Huyện Càng Long có nguồn nước mặt rất phong phú, với hệ thống sông ngòi dày đặc, như: sông Cổ Chiên, sông Cái Hóp, sông Càng Long, sông Láng Thé, hệ thống kênh Trà Ngoa… Huyện Càng Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi, chất đất phù hợp đề trồng và phát triển cây lát, nên được tỉnh Trà Vinh quy hoạch phát triển vùng trồng cây lát, đặc biệt ở các xã Đức Mỹ, Nhị Long Phú, Đại Phước và các xã lân cận. Trồng lát trở thành một trong những thế mạnh của địa phượng trong nhiều năm trở lại đây, cùng với cây lúa và cây dừa.

Không giống như cây lúa, cây lát bình quân khoảng 6-7 năm hoặc lâu hơn mới phải trồng lại. Mùa vụ thu hoạch lát tương đối ngắn, thu hoạch khi cây đến độ trưởng thành chứ không chờ trổ bông. Trừ vụ đầu tiên phải mất 5-6 tháng mới cho thu hoạch thì các vụ sau chỉ khoảng 3-4 tháng. Trong những năm qua, nhiều hộ trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lát thay cho các loại cây trồng khác kém hiệu quả, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực tạo lợi nhuận cao, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống tốt hơn cho bà con nông dân (thu nhập từ 120.000.000 đồng/năm/ha tăng lên 350.000.000 đồng/năm/ha so với trồng lúa). Đến nay, trên địa bàn huyện Càng Long tổng diện tích trồng lát đạt khoảng 2.377 ha, sản lượng thu hoạch 30.009 tấn/năm. Sản phẩm lát loại 1 được xuất bán ra các tỉnh phía Bắc và cung cấp cho các cơ sở trong làng nghề để dệt chiếu, lát loại 2 và loại 3: dệt chiếu nội địa và se lõi lát phục vụ cho tổ hợp tác và hợp tác xã đan đát trên địa bàn huyện.

Bên cạnh những lợi thế cho sản phẩm lát phát triển thì lát Càng Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong sản xuất chưa có mô hình thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó dẫn đến sản xuất thiếu bền vững. Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện thu mua còn thấp (khoảng trên 15% sản lượng). Bên cạnh đó, nghề trồng lát lại phụ thuộc nhiều vào nhân công và thời tiết rất nhiều.

Sản phẩm lát của huyện Càng Long vẫn chưa thể tiếp cận được tới người tiêu dùng trong và ngoài nước cũng như nâng cao được giá trị sản phẩm do hiện nay các cơ sở sản xuất chưa chú trọng vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu; đặc biệt là chưa có thương hiệu chung cho sản phẩm lát và các sản phẩm sản xuất, chế biến từ lát của huyện Càng Long. Huyện Càng Long xác định trồng và kinh doanh các sản phẩm từ cây lát là hướng đi chủ đạo để phát triển kinh tế địa phương trong những năm tới.

Vì vậy, để hỗ trợ cho các cơ sở, hộ gia đình trồng, sản xuất, kinh doanh lát và các sản phẩm từ lát nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; bên cạnh đó, cần có các giải pháp và bổ sung công cụ pháp lý hữu hiệu để quản lý, kiểm soát và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương, thì việc “Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận Lát Càng Long tỉnh Trà Vinh cho sản phẩm lát khô và các sản phẩm chế biến từ lát” sẽ đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người dân cũng như của huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ theo quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 11/05/2023, Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định SPVALUE đã tiến hành Khảo sát, đánh giá về thực trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm lát khô và các sản phẩm chế biến từ lát của huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Trên cơ sở đó tiến hành: xây dựng bản đồ địa khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm mang NHCN, xin phép UBND tỉnh Trà Vinh cho phép sử dụng địa danh “Càng Long” để đăng ký bảo hộ NHCN; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHCN, bộ tiêu chí sản phẩm mang NHCN; thiết kế mẫu NHCN “Lát Càng Long”. Dựa trên kết quả của những công việc trên, tiến hành nộp hồ sơ đăng ký NHCN “Lát Càng Long” cho Cục SHTT vào ngày 18/12/2023 do UBND huyện Càng Long đứng tên chủ đơn đăng ký.

Cơ hội cho cây lát càng hiện hữu hơn khi tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, trong các mục tiêu, có: “…phát triển sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị sử dụng cao, tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.” và “Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.”.

Hy vọng tương lai không xa, cây lát Càng Long cũng sẽ là sản phẩm được nhiều người biết đến khi nói về Trà Vinh như sản phẩm tôm khô, bánh tét, dừa sáp…

Share:

Author: PKTHT Cang Long

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *